[Cảm nhận] hồi kí Những ngày thơ ấu – Tác giả Nguyên Hồng

B2

Bỗng một ngày thèm đọc “văn” đến lạ, tự nhiên nhớ đến mấy bài văn hồi cấp 2 từng học, những lời văn nhẹ nhàng với lối miêu tả không thể nào sống động hơn, thế là tôi đã tìm mua cuốn hồi kí “Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng của nhà xuất bản Văn học. Cuốn sách mỏng và nhẹ chỉ tầm 100 trang nhưng chứa đựng cả quãng đời tuổi thơ của tác giả, càng đọc tôi càng hình dung sâu sắc bối cảnh thời bấy giờ và những tủi nhục mà ông đã chịu đựng – sự thiếu thốn tình thương từ người mẹ và sự cay nghiệt từ những bà cô bên họ nội.

“Những ngày thơ ấu” là tác phẩm viết dưới dạng hồi ký gồm 9 câu chuyện: Tiếng kèn, Chúa thương xót chúng con, Truỵ lạc, Trong lòng mẹ, Đêm no-en, Trong đêm Đông, Đồng xu cái, Sa ngã, Một bước ngắn. Nhân vật chính của hồi kí xưng “tôi” và tên Hồng. Mỗi câu chuyện được sắp xếp theo trình tự thời gian và sự thăng cấp khó khăn trong cuộc đời tác giả. Nhưng ẩn trong những câu chuyện đau buồn ấy là những lời văn miêu tả chân thật và sống động về cảnh vật và xã hội cũ của nước ta thời bấy giờ.

B3

 

Mở đầu hồi kí là câu chuyện “Tiếng kèn”, câu chuyện giới thiệu về gia cảnh của cậu bé Hồng – người con cả của một gia đình không hạnh phúc khi cha và mẹ lấy nhau không vì tình thương, trong lòng mẹ Hồng đã có người khác nhưng họ phải giả vờ yêu thương nhau trước mặt bà nội Hồng và Hồng. Thời điểm đó, gia đình của Hồng vẫn còn khá giả, Hồng được bà nội yêu thương và cưng chiều. Bắt đầu từ câu chuyện thứ hai “Chúa thương xót chúng con”, tấn bi kịch của gia đình Hồng bắt đầu lộ diện, ba Hồng bỏ công việc nhà nước, bao nhiêu tiền bạc và cả căn nhà mà bà nội chắt chiu cả đời cũng phải bán đi để ông mua thuốc phiện. Cuộc sống của cả gia đình trở nên thiếu thốn và khó khăn. Và lúc đó tác giả đã miêu tả “..những ngày mưa, từng giọt nước lạnh từ ống máng rơi xuống chiếc thau đồng đã thấm từng chút khí lạnh vào lòng tôi; từng tiếng kêu chiêm chiếp của con sẻ lẻ loi rũ lông trên mái ngói đã quện đi từng hơi êm ấm của hồn tôi…”

B4

 

Sau đó, khi cha Hồng qua đời thì mẹ Hồng bỏ vào Thanh Hoá buôn bán, Hồng và em Quế được giao cho bà nội nuôi, cuộc sống buồn tủi vì mồ côi cha và nghe những lời nói xấu về mẹ từ các cô cũng không làm Hồng ghét mẹ mình “nhưng đời nào tình thương yêu và lòng kính mến mẹ tôi lại bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến”. Đó là lời khẳng định của tác giả trong truyện “Trong lòng mẹ” đây cũng là câu chuyện được đưa vào sách giáo khoa lớp 8. Tôi rất thích câu chuyện này vì nó thể hiện tình thương của tác giả đối với mẹ mình và dám suy nghĩ vượt khỏi những hủ tục thời xưa “giá những cổ tục đã đày đoạ mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thuỷ tính, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kỳ nát vụn mới thôi”. Và đắt giá nhất là chi tiết khi Hồng gặp lại mẹ mình “phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ, để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trán xuống cầm, và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng”.

Những câu chuyện sau tiếp tục kể lại quá trình khó khăn và sự thiếu thốn về vật chất lẫn tình thương của mẹ khi Hồng, em Quế và bà nội ở nhà của người cô giàu có và câu chuyện cuối là “Một bước ngắn” thật sự đã làm tôi ám ảnh bởi sự đối đãi vô tình của người thầy giáo đối với Hồng, người thầy ấy thật cay nghiệt, chỉ vì hiểu lầm một câu nói mà ông bắt Hồng phải quỳ mỗi khi đến lớp, dù cho cậu có xin lỗi và tỏ thái độ ăn năn đi chăng nữa. Cách tác giả miêu tả ở cuối câu chuyện sẽ làm cho người đọc cảm thấy chua xót tột cùng “…cái bàn tay của thầy giáo tôi đã dúi tôi vào cái góc tường hình phạt và không bao giờ nhấc tôi lên nữa. Tôi vùng đứng dậy, mê man, chạy như biến ra đường.”

Sau khi đọc “Những ngày thơ ấu” tôi như có cảm giác dòng thời gian xung quanh mình đang trôi ngược về thời học sinh, cái thời mà tôi vẫn đang ngồi cùng đám bạn trong lớp và mơ màng nghe thầy cô giảng văn. Nhờ cách sử dụng các từ láy để miêu tả cảnh vật, tâm trạng mà tập hồi kí đã thực sự khơi gợi một cảm xúc buồn man mác trong tôi, buồn cho sự bi kịch của gia đình Hồng, cho số phận người phụ nữ bị goá chồng. Nhưng sâu bên trong đó tôi thấy cảm phục Hồng vì ông có một tuổi thơ mạnh mẽ và giữ vững khát vọng được yêu thương được đoàn tụ với mẹ mình.


Tag: sách hay nên đọc, văn học Việt Nam, review Những ngày thơ ấu Nguyên Hồng, tác giả Nguyên Hồng, hồi kí những ngày thơ ấu, cảm nhận hồi kí những ngày thơ ấu

1 bình luận về “[Cảm nhận] hồi kí Những ngày thơ ấu – Tác giả Nguyên Hồng

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.